Chủ nhật, 19/01/2025 - 10:24 AM

Về quê Khoái Châu tiễn biệt Nhà văn Lê Lựu đi vào “Thời xa vắng”

Tin Nhà văn Lê Lựu qua đời tại quê nhà (thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) ngày 9/11 sau nhiều năm chống chọi với nhiều lần đột quỵ, đã để lại niềm thương tiếc cho độc giả cả nước cũng như giới văn học nghệ thuật.

Nhà văn Lê Lựu - một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau 1975

Nhà văn Lê Lựu – một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau 1975

Chiều 10/11, chúng tôi cùng đoàn Chi hội Nhà văn Bộ Công An do Trung Tướng-Nhà văn Hữu Ước dẫn đầu, cùng Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Thượng tá-Nhà văn Như Bình… từ Hà Nội đã về thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, để tiễn biệt Nhà văn – Đại tá QĐNDVN Lê Lựu.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942

Trên hồ sơ thì Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, nhưng theo gia đình thì ông SN 1938. Ông mất, hưởng thọ 85 tuổi. Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng bắt đầu từ 7h đến 21h ngày 10/11 tại quê nhà. Lễ truy điệu tổ chức lúc 7h20 sáng 11/11. Nhà văn Lê Lựu được an táng tại nghĩa trang thôn Mạn Trù Châu, tỉnh Hưng Yên.

Rất nhiều các đoàn xe ô tô, xe máy từ Hà Nội và các tỉnh thành và của Hưng Yên, nối nhau về thôn Mãn Hòa để tiễn biệt Nhà văn của rất nhiều những tác phẩm để đời.

“Lê Lựu là một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau 1975. Dù đến cuối đời, ông vẫn là một người nông dân có kiến văn rộng, hiểu đời sống sâu sắc” – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Theo Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã tác động sâu sắc tới đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” là một bước ngoặt của văn học Việt Nam.

Sinh thời, Nhà văn Lê Lựu từng làm phóng viên báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559. Ông theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam.

Lê Lựu nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm: “Mở rừng”, “Đại tá không biết đùa”, “Sóng ở đáy sông”, “Chuyện làng Cuội”, “Một thời lầm lạc”, “Thời xa vắng”… Đặc biệt, các tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh vô cùng thành công, được khán giả biết đến rộng rãi là “Người về đồng cói”, “Sóng ở đáy sông” và “Thời xa vắng”. Sau này khi đau ốm, ông vẫn nỗ lực viết và ra mắt Thời loạnỞ quê ngày ấy, Gã dở hơi.

Năm 2001, Nhà văn Lê Lựu là một trong số các tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1. Ông từng đạt các giải thưởng văn học: Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (1967-1968) với truyện ngắn Người cầm súng; Giải A Hội Nhà văn Việt Nam (1984) với tiểu thuyết Thời xa vắng; Giải nhất cuộc thi do Bộ Lao động Thương binh xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Văn hóa tổ chức 1970-1971 với truyện vừa Người về đồng cói.

Nói về tài văn của Nhà văn Lê Lựu, Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho biết: Lê Lựu là một nhà văn lớn, ông xuất hiện và nổi tiếng vào những năm chống Mỹ với truyện ngắn đầu tay là “Tết làng Mụa”. Năm 1974, Nhà văn Lê Lựu cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Mở rừng”, đặc biệt trước thời kì đổi mới, ông đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” và “Thời xa vắng” đã khẳng định thêm tên tuổi của ông. Điều này cho thấy, Lê Lựu là Nhà văn đi trước đổi mới, ông có tư duy đổi mới.

Ngoài ra, nhà văn Lê Lựu còn có nhiều tác phẩm được chuyển thể sang phim điện ảnh, phim truyền hình nhiều tập: “Sóng ở đáy sông”, “Người về đồng cói”, đã khẳng định tên tuổi Lê Lựu trên văn đàn.

“Nhà văn Lê Lựu là một cây bút rất vạm vỡ, ông đi trước cả công cuộc đổi mới. Ông là một ngòi bút rất đặc sắc viết về nông thôn, chúng ta có nhiều nhà văn viết về nông thôn rất tài như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân,… nhưng tác phẩm của Lê Lựu thì khác. Ông trực tiếp viết về chính mình, người nông dân từ trong bản chất nên lời văn của Lê Lựu rất thật và sinh động của người trong cuộc”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.

Đoàn Chi Hội Nhà văn Bộ Công an thành kính viếng nhà văn Lê Lựu

Đoàn Chi Hội Nhà văn Bộ Công an thành kính viếng nhà văn Lê Lựu

Là nhà văn đàn em có nhiều gắn bó rất thân thiết với nhà văn Lê Lựu, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Phó Chủ tịch Chi hội Nhà Văn Bộ Công an, bày tỏ sự trân trọng và cảm xúc tiếc thương với nhà văn đàn anh vừa ra đi. Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái khẳng định, Lê Lựu là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ cùng với nhà văn Ngụy Ngữ năm 1988. Thượng nghị sĩ Mỹ Johl Kery (sau này là Ngoại trưởng) sau một chuyến thăm Việt Nam năm trước khi bỏ cấm vận, nhận Lê Lựu làm anh em kết nghĩa và Nhà văn Lê Lựu đã cưỡi ngựa đi sóng đôi trong trang trại của Jonkery ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Như thế phải chăng Nhà văn Lê Lựu là một trong những sứ giả mở đường cho quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ vào năm 1995.

“Điều đó chứng tỏ người Mỹ đọc văn ông, hiểu người ông, đánh giá cao ông vì trong ông có thông điệp mang tầm nhân loại. Khán, thính giả cả Mỹ và kiều bào ta ngồi nghe ông đọc thuộc lòng truyện ngắn “Người về đồng cói” và một chương trong tiểu thuyết “Làng Cuội”, nghe say mê đến mức thè lưỡi xuýt xoa khen hay nức nở… Đó là điều khác lạ đặc biệt làm nên sự hấp dẫn của nhà văn Lê Lựu”. Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái nhận định.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái tâm sự: “Nhà văn Lê Lựu là một người rất yêu thương mọi người và quan tâm con cái. Ông còn là người hài hước và tự trào để làm vui cho cuộc sống. Bệnh tật kéo dài, Lê Lựu ở tại Trung tâm Văn hoá Doanh nhân – nơi ông làm Giám đốc Trung tâm kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá Doanh nhân (phố Lĩnh Nam, Hà Nội), mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông vẫn vui vẻ, tự trào, đem niềm vui lại cho mọi người. Cảm giác cuộc sống với ông lúc đó thật nhẹ nhõm, như là ông không có bệnh tật gì”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói đến nhà văn Lê Lựu với 4 “cái nhất”. Đầu tiên là tiểu thuyết “Thời xa vắng” được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới – xu hướng nhận thức lại thực tại. Tiếp theo là chuyến đi Mỹ đầu tiên của một nhà văn cựu chiến binh Việt Nam (1988). “Cái nhất” thứ ba là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội do nhà văn Lê Lựu thành lập, như để khẳng định rằng kinh tế không thể tách rời văn hóa. “Cái nhất” thứ tư nhưng là “cái nhất” xuyên suốt là chất nông dân với tất cả mọi sắc thái ý nghĩa của từ này. Theo Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Lê Lựu nhìn đã biết là người của nông thôn, làng quê từ dáng vẻ thân hình, lời ăn tiếng nói, cho đến quần áo trang phục, cách nghĩ cách cảm. Một chất quê vừa là đặc sản vừa là đặc trưng.

Trung tướng-Nhà văn Hữu Ước - Chủ tịch Chi Hội Nhà Văn Công an, thắp nén nhang tiễn biệt Nhà văn Lê Lựu

Trung tướng-Nhà văn Hữu Ước – Chủ tịch Chi Hội Nhà Văn Công an, thắp nén nhang tiễn biệt Nhà văn Lê Lựu

Trung tướng-Nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi Hội Nhà Văn Công an, ngồi nhấp chén trà tại tang lễ Nhà văn Lê Lựu ở làng Mãn Hòa của tỉnh Hưng Yên, bùi ngùi bảo tôi: “Lê Lựu là một nhà văn tài hoa với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông không chỉ là một người đổi mới, ông còn là một Nhà văn với khát vọng muốn làm thật nhiều việc có ích cho đời. Ông mở Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, rồi Tạp chí Văn hóa Doanh nhân cũng với khát vọng của anh nhà văn mong mỏi đất nước giàu mạnh phải dựa vào những Doanh nhân có văn hóa, nâng cao văn hóa cho đội ngũ doanh nhân. Nhưng tiếc rằng ông ấp ủ nhiều, nhưng rồi nhiều việc ông không kịp làm hoặc không thể làm. Những năm cuối đời ông ốm, nằm ở Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, tôi và NV Nguyễn Hồng Thái vẫn thường ghé thăm, Lê Lựu cầm tay chúng tôi, mắt ông tràn những giọt lệ”.

Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Hồng Thái thắp nén nhang tiễn biệt Nhà văn Lê Lựu

Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Hồng Thái thắp nén nhang tiễn biệt Nhà văn Lê Lựu

NV Nguyễn Hồng Thái bùi ngùi: “Nhà văn Lê Lựu luôn sống tử tế, nghĩa tình với mọi người, luôn tự trào để người khác được vui. Trò chuyện với chúng tôi, lúc còn khỏe cũng như khi đã ốm bệnh, ông luôn lo lắng cho gia đình, nhất là cho các con. Nhưng có lẽ văn chương đã hớp hồn ông, nên nhiều việc ông mong muốn còn dang dở. Nhưng tôi tin rằng, bạn đọc sẽ còn mãi cám ơn ông đã giúp họ sống thẳm sâu cùng những trang văn đẹp đẽ của một thế giới nhân văn”./.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TÁC PHẨM

  • Người cầm súng (tập truyện ngắn, 1970)
  • Phía mặt trời (tập truyện ngắn, 1972)
  • Đánh trận núi con Chuột (truyện dài, 1976)
  • Mở rừng (tiểu thuyết, 1976)
  • Ranh giới (tiểu thuyết, 1977)
  • Campuchia một câu hỏi lớn (tập truyện ngắn, 1979)
  • Phía sau anh (tiểu thuyết, 1980)
  • Đồng bằng chiến sĩ (truyện ký, 1980)
  • Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986)
  • Mặt trận của người lính (tập truyện ngắn, 1986)
  • Một thời lầm lỗi (tập bút ký, 1988)
  • Trở lại nước Mỹ (tập bút ký, 1989)
  • Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết, 1990)
  • Chuyện làng Cuội (tiểu thuyết, 1991)
  • Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết, 1994)
  • Hai nhà (tiểu thuyết, 2000)
  • Truyện ngắn Lê Lựu (2003)
  • Thời loạn
  • Ở quê ngày ấy
  • Gã dở hơi

Giải thưởng văn học

  • Truyện ngắn Người cầm súng, giải nhì báo Văn nghệ 1968
  • Tiểu thuyết Thời xa vắng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990

Hình ảnh/Video

Translate »