Chủ nhật, 19/01/2025 - 07:04 AM

Văn chương của Lê Lựu là thứ văn chương vắt ra từ gan ruột…

Nhà văn Lê Lựu (1938 – 2022), sinh ra tại thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông là một tác giả quan trọng của nền văn học cách mạng, nhất là sau đổi mới 1986.

Cuốn sách Văn chương và Số phận của nhà văn Lê Lựu

Nhà văn Lê Lựu đã xuất bản hơn 40 đầu sách, với nhiều tác phẩm văn chương rất có giá trị như: “Người cầm súng”, “Phía mặt trời”, “Trong làng nhỏ”, “Người về đồng cói”, “Chuyện làng Cuội”… Đặc biệt, nhiều tác phẩm của ông đã được các đạo diễn chuyển thể sang kịch bản phim như: “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”… được khán giả rất yêu thích.

Sinh thời, nhà văn Lê Lựu trải qua nhiều chuyện không vui và bệnh tật. Những ngày trước khi qua đời, ông phải trải qua cảnh “uống thuốc nhiều hơn ăn cơm” với nhiều căn bệnh như: đái tháo đường, tim mạch, gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… Giới sáng tác văn học nghệ thuật cho rằng, ông là một điển hình về bản lĩnh vượt qua những nghịch cảnh của đời riêng, biến số phận thành văn chương và nhỏ máu vào từng con chữ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn, nhà văn Lê Lựu có cuộc đời nổi chìm, cơ cực, cương cường cũng như văn chương của ông. Sự rèn luyện về văn chất và bản chất con người của Lê Lựu luôn không ngừng nghỉ. Kể cả khi ông mất đi, những dòng chữ mà ông chuẩn bị từ trước đều là trình bày một sự thật, rất khốc liệt, rất cay đắng nhưng vấn đề đó là sự thật.

“Văn chương cũng như số phận của nhà văn Lê Lựu có nhiều khúc quanh bước ngoặt mà cuốn sách “Nhà văn Lê Lựu – Văn chương và số phận” vừa mới ra mắt đã chạm đến, đã chia sẻ, đồng hành, đớn đau và kiêu hãnh về ông, cho ông – một nhà văn của nhân dân và Tổ quốc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.

Đại tá, nhà văn Lê Lựu lúc sinh thời

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ, nhà văn Lê Lựu từng sống một cuộc đời nhưng tồn tại bên trong là những con người khác nhau: công dân, nhà văn, bệnh nhân và một người nổi tiếng. Tất cả vẫn luôn đau đáu, trăn trở bởi nhịp đập con tim đầy mẫn cảm với cuộc sống, để trong gần 60 năm cầm bút, với hơn 40 đầu sách để đời, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam một tài sản khổng lồ, đóng góp cho nền văn chương nước nhà nhiều tác phẩm kinh điển làm rung động đời sống văn học Việt Nam.

“Văn chương của Lê Lựu là thứ văn chương vắt ra từ gan ruột. Ông sống và nghĩ như thế nào thì viết ra như thế. Bởi thế mà văn chương của ông khác biệt. Và chính sự khác biệt này đã lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp cho cuộc sống”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nói về văn chương của nhà văn Lê Lựu, giáo sư Trần Đăng Suyền nhận xét, Lê Lựu là nhà tiểu thuyết tài năng. Tiểu thuyết của ông có vị trí quan trọng trong văn học thời kỳ đổi mới. Đó là những cuốn tiểu thuyết đã đi sâu vào phương diện thế sự, đời tư, phát hiện ra nhiều cái hài hước và nhiều bi kịch liên quan đến vấn đề nhức nhối của đời sống cộng đồng cũng như cá nhân.

Thật vậy! Bởi, trong một cuộc phỏng vấn về tiểu thuyết “Thời xa vắng”, nhà văn Lê Lựu từng thốt lên: “Cái đầu tiên mà mọi người nhận ra là mình không nói dối nữa. Mình nói thật với cuộc đời về cuộc đời đó rồi”. Như vậy có thể khẳng định Lê Lựu khao khát sự thật, muốn nói thật đến mức nào.

Văn chương và số phận của nhà văn Lê Lựu luôn là một hành trình mở. Chúng ta có thể thống kê các nhân vật, khái quát, bình phẩm nội dung và nghệ thuật, từ chủ đề tư tưởng tới cung cách hành văn, từ câu cú ngắn dài tới những thông điệp mà văn chương của ông đã trình ra trong đời sống bằng các tiểu luận, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Đã có nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình rất thành công, tạo sóng dư luận từ các truyện ngắn, tiểu thuyết của Lê Lựu. Bản thân ông cũng rất hăng say với điều này.

“Ngay từ khi bố còn sống, ý tưởng dịch một số tác phẩm sang tiếng Anh, trong đó có hai cuốn Một thời lầm lỗi và Trở lại nước Mỹ cũng đã nhen nhóm… Từ sau khi bố tôi qua đời vào tháng 11 năm 2022 và ngay sau đám tang của bố, ý tưởng tập hợp các bài viết, bài báo của bố tôi, tập hợp những hình ảnh lưu niệm đời thường, cũng như những bài viết của đồng nghiệp và bạn bè về bố, kể cả những cảm nghĩ của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ như nhà thơ Kevin Bowen, nhà thơ Bruce Weigh v.v… được hai chị em tôi trao đổi với nhà văn Phùng Văn Khai. Chúng tôi được nhà văn Phùng Văn Khai hưởng ứng, cùng bàn cách triển khai…” Đến nay cuốn sách “Nhà văn Lê Lựu – Văn chương và số phận” đã được xuất bản, chủ yếu đã tập hợp được các bài viết đề cập đến các tác phẩm lớn của bố, có một số bài đề cập đến thế giới quan, thái độ sống và làm việc, quan hệ với bạn bè văn chương của bố”, chị Lê Hạnh Lê – con gái nhà văn Lê Lựu chia sẻ.

Nhiều nhà văn, nhà thơ chia sẻ rằng, với trí tuệ, tài năng và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sáng tác, Đại tá – nhà văn Lê Lựu xứng đáng được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. “Cuộc đời của nhà văn Lê Lựu khái quát sự phấn đấu không ngừng. Và, từ cuốn sách “Nhà văn Lê Lựu – Văn chương và số phận”, giới sáng tác nghệ thuật có thể dựa theo đó mà viết thành kịch bản, nhằm tri ân những cống hiến to lớn của ông”, nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện cho biết.

Theo PLVN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TÁC PHẨM

  • Người cầm súng (tập truyện ngắn, 1970)
  • Phía mặt trời (tập truyện ngắn, 1972)
  • Đánh trận núi con Chuột (truyện dài, 1976)
  • Mở rừng (tiểu thuyết, 1976)
  • Ranh giới (tiểu thuyết, 1977)
  • Campuchia một câu hỏi lớn (tập truyện ngắn, 1979)
  • Phía sau anh (tiểu thuyết, 1980)
  • Đồng bằng chiến sĩ (truyện ký, 1980)
  • Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986)
  • Mặt trận của người lính (tập truyện ngắn, 1986)
  • Một thời lầm lỗi (tập bút ký, 1988)
  • Trở lại nước Mỹ (tập bút ký, 1989)
  • Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết, 1990)
  • Chuyện làng Cuội (tiểu thuyết, 1991)
  • Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết, 1994)
  • Hai nhà (tiểu thuyết, 2000)
  • Truyện ngắn Lê Lựu (2003)
  • Thời loạn
  • Ở quê ngày ấy
  • Gã dở hơi

Giải thưởng văn học

  • Truyện ngắn Người cầm súng, giải nhì báo Văn nghệ 1968
  • Tiểu thuyết Thời xa vắng, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990

Hình ảnh/Video

Translate »